Từ ngày 17 – 19/6, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Thái Nguyên), Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã tổ chức Triển lãm và Hội thi hoa lan mở rộng tỉnh Thái Nguyên lần thứ II, năm 2023.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Hoa lan nói riêng và sinh vật cảnh nói chung không chỉ là thú vui, mà còn là ngành nghề giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu chính đáng. Sự kiện này là cơ hội để các nghệ nhân, nhà vườn hoa lan trong và ngoài tỉnh có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc hoa lan. Qua đó tạo đà xúc tiến du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Phó chủ tịch cũng đề nghị Hội Sinh vật cảnh tỉnh cần tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng những mô hình hay trong phát triển sinh vật cảnh nói chung, chơi hoa lan nói riêng; hỗ trợ các hội viên và bà con nông dân trong việc tiếp cận khoa học – công nghệ, thị trường tiêu thụ để nâng cao thu nhập từ ngành nghề này.
Ông Lê Văn Dũng– UV BCH Hội SVC Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội SVC tỉnh Thái Nguyên, Chủ nhiệm CLB Doanh nhân SVC tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân phát biểu cho biết, Việt Nam là một trong 16 quốc gia đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới, trong đó hoa lan có khoảng 150 chi với trên 800 loài lan rừng. Ngoài các giống hoa lan mọc hoang dã, hàng trăm loài hoa lan được trồng đại trà tại các tỉnh thành. Hoa lan trở thành một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và trở thành xu hướng của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy là một loại cây trồng nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh hoa lan ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Hầu hết hoa lan chỉ được trồng trên những mảnh vườn mở rộng, không lưới và các phương tiện phòng chống mưa bão rất thô sơ nên chất lượng và thời vụ thu hoạch bị ảnh hưởng nhiều, chưa cạnh tranh được thị trường khu vực và thế giới.
Trải qua 24 năm phát triển, Hội sinh vật cảnh tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, với tổng số hội viên toàn tỉnh là 2.789 người. Trong những năm qua, Hội sinh vật cảnh đã chú trọng đào tạo, tập huấn nghề cho hội viên; các nhà vườn, đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường và yêu cầu của xã hội, mang lại thu nhập từ sinh vật cảnh ngày càng cao. Sinh vật cảnh tỉnh Thái Nguyên nói chung, Hội hoa lan nói riêng đã có những đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa.
“Hội thi lần này có trên 500 tác phẩm hoa lan gồm nhiều chủng loại vô cùng phong phú, đa dạng. Từ lan rừng, lan công nghiệp, địa lan đến lan chồn, lan tai trâu, hồ điệp… của nhiều tỉnh thành cũng như của các CLB nhà vườn tỉnh Thái Nguyên. Hy vọng hoạt động ý nghĩa này cũng giúp cho các cơ quan ban ngành và nhân dân thấy rõ hơn vị trí vai trò tiềm năng to lớn của ngành sản xuất và kinh doanh hoa lan. Tạo đà xúc tiến du lịch, kết nối vùng miền để du khách đến với Thái Nguyên nhiều hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh nhà nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung”, ông Dũng cho biết.